Kênh Tên Miền chuyên cung cấp tên miền đẹp, giá rẻ! Hãy liên hệ kỹ thuật: 0914205579 - Kinh doanh: 0912191357 để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, Cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong thời gian qua!
kiem tien, kiem tien online, kiem tien truc tuyen, kiem tien tren mang
Tuesday 19 July 2011

Vào miệt tiêu phương Nam, tôi đã gặp cánh chim sau mùa di trú ấy. Đó là Khổng Văn Đương, người viết bài thơ tình nổi tiếng “Em đi tìm anh trên bán đảo Ban Căng”, người mới được trả lại quyền tác giả bài thơ từng gây xôn xao dư luận. Đương của ngày nào, của cách đây 43 năm đã bay sang trời Âu, du học ở Rumani sau khi tốt nghiệp cấp III Long Châu Sa của tỉnh Phú Thọ (khoá 1962 - 1965). Số phận đã chia chúng tôi thành hai ngả, người du học nước ngoài, người học đại học trong nước rồi vào bộ đội. Đằng đẵng ngót nửa thế kỷ, số phận lại cho chúng tôi gặp nhau, khi tôi vào phương Nam, tại miệt tiêu giáp ranh tỉnh Bình Dương và Bình Phước, khi cả hai đã xong một đời công tác (đã nghỉ hưu), tóc muối tiêu, cùng dắt hai bà vợ đi cùng.



 Khổng Văn Đương (bên phải)

Tình xuyên quốc gia… đứt gánh

Chúng tôi thuộc lớp người nâng niu kỷ niệm. Tuổi thành người vỡ tan và chiến bại cứ thiêng liêng chẳng thời gian và nước mắt nào xoá nổi. Ra khỏi chặng đời tẻ nhạt đầy ganh đua của đám thư lại thời bình, như một nhà văn lão làng Việt Nam hoài cảm, ngoảnh lại mới thấy thấm cái giá phải trả của chuỗi ngày tập im để đổi lấy sự yên ổn, càng thấy lấp lánh sáng lên chút bụi vàng kỷ niệm của tuổi học trò. Người ta bảo gặm nhấm kỷ niệm là dấu hiệu của tuổi xế chiều, nhưng làm sao quên nổi những ngày đẹp đẽ, tin tưởng, cuồng nhiệt của tuổi 20. Chúng tôi ôm nhau trong miền thiêng kỷ niệm. Ơn trời, ngọn lửa ấy vẫn còn.

Nếu ngọn lửa nguội tắt, hoặc trơn nhẽo bàn tay hờ hững như những con sứa thiếu sinh khí, hoặc mờ đục cái nhìn âm u vô hồn, thì còn gì để nói. Kỷ niệm không như những đồng tiền nhét ví, sau gặp gỡ là phung phí tiêu đến sạch trơn. Khổng Văn Đương đã kể về mình, về vụ yêu đương đầu đời trên đất Ban Căng khi còn là sinh viên du học ở Rumani cùng tập thơ “Tình quê hương” gồm hơn 100 bài thơ của anh đã bị “tổ chức” (hồi ấy) tịch thu, có thể bị cho vào lửa, bởi đã cả gan yêu một cô gái nước ngoài tên là Valentina khi cả nước đang hồi chiến tranh khốc liệt, khi cái chết không từ bất cứ ai mà bọn Đương lại được gửi ra nước ngoài, được chăm sóc như những hạt giống quý, khi đất nước đã dùng đến những hạt gạo trên sàng là lớp sinh viên trong nước cứ hăng hái theo nhau ra mặt trận. Và Đương đã kịp nhận ra nguy cơ nếu không chấm dứt cuộc yêu đương động trời với cô gái có mái tóc nâu màu hạt dẻ, có cặp mắt xanh mênh mông trời Hắc Hải thì sẽ bị trục xuất về nước. Anh đã chọn kết cục ngoài mong muốn là chôn chặt mối tình với Valentina. Còn Valentina của anh đã buồn bã đến phát điên. Lần cuối anh trốn đến Brasov thăm nàng là một ngày buồn thê thảm. Valentina tiều tụy nằm trên giường, ánh mắt vô hồn. Thấy anh, nàng bật dậy, ôm chặt lấy, nức nở kêu tên anh, hôn rối rít trong tràn trề nước mắt. Có thể đó là một ngày buồn nhất trong thời trai trẻ của Đương.

Rồi nàng gửi cho anh môt bức thư đầy bi thiết, đầy oán hận. Nhận thư nàng, anh vô cùng đau đớn và trống vắng. Rồi một chiều tháng 3.1969, chỉ còn một mình bên của sổ, ngoài trời tuyết dày đặc trắng xoá, anh đem thư nàng ra đọc lại. Trong cồn cào nhớ thương và xót hận, Đương đã viết một mạch bài thơ “Em đi tìm anh trên bán đảo Ban Căng”, mô phỏng toàn bộ nỗi niềm ai oán, giận hờn và khao khát của nàng trong bức thư kia.
“Em đi tìm anh trên bán đảo Ban Căng
Tìm không thấy chỉ thấy trời im lặng”
… Đó là câu thơ mở đầu của dằng dặc cuộc kiếm tìm vô vọng, khi trèo đỉnh Các Pát, khi bàn chân xa lắc tím trời Âu, khi nhức nhối rì rầm dòng Đanuýp, khi dào dạt sóng vỡ Biển Đen… Nữ hoàng tình yêu Valentina của anh đã tìm anh khắp bán đảo Ban Căng, còn anh thì buộc lòng phải trốn chạy. Rồi ngày chia ly đã đến. Ngày 17.6.1971, kết thúc khoá học, các anh lên tàu liên vận từ Bucaret về nước, nàng mảnh mai trong bộ áo pul da trời, váy trắng ướp đầy vạt nắng, chới với vẫy, như cố níu lấy đoàn tàu, giàn giụa nước mắt tiễn biệt, vô vọng, chia ly, khiến thêm một lần trái tim kẻ chạy trốn (là Đương) rỉ máu.

Bài thơ sẽ rơi vào im lặng, sẽ mãi mãi bị người ta gán tên tác giả là Onga Becgon - nữ nhà thơ Nga nổi tiếng (1910- 1975), nếu như năm 1990, Nhà xuất bản Văn hoá không cho ấn hành cuốn sách “Almanach người đẹp và phái đẹp”, trong đó có mục “Những bài thơ tình hay của thế giới và Việt Nam” đã in bài thơ “Em đi tìm anh trên bán đảo Ban Căng” ghi tên tác giả là Onga Becgon! Thơ in từ 1990, mãi tới bảy năm sau, người đứt ruột đẻ ra nó là Khổng Văn Đương mới gửi thư tới Nhà xuất bản, yêu cầu xin được đính chính, rồi sự việc rơi vào im lặng. Đương, chàng lãng tử làm thơ cũng chẳng mấy quan tâm nữa.

Cho tới ngày 17- 11- 2004, Báo Văn nghệ công an đã nhận được lá thư của Khổng Văn Đương nhờ gửi tới Trung tâm quyền tác giả Việt Nam thuộc Hội nhà văn Việt Nam, đề nghị hai vấn đề. Một là, xin tiến hành thủ tục theo Luật bảo hộ quyền tác giả của bài thơ “Em đi tìm anh trên bán đảo Ban Căng” là của Khổng Văn Đương. Hai là, xin Trung tâm cho in lại bài thơ theo bản gốc được tác giả chép tay gửi kèm. Đương không nhằm bảo hộ quyền lợi vật chất (nhuận bút) mà chỉ xin bảo hộ một điều duy nhất là tránh tam sao thất bản, và đồng ý cho bất kỳ ai cũng có quyền sao chép, sử dụng bài thơ vào mục đích tuyên truyền văn hoá lành mạnh.

Sự rụt rè của Đương một lần nữa khiến dư luận rộ lên và trở thành đề tài cuốn hút của báo chí. Để rồi, chính những bạn bè cùng du học với anh, những cựu sinh viên một thời sống ở Ban Căng, coi tác giả bài thơ “Em đi tìm anh trên bán đảo Ban Căng” như một người hùng, từng truyền nhau chép tay bài thơ này, đã lên tiếng khẳng định: Khổng Văn Đương đích thực là tác giả bài thơ tình nổi tiếng ấy.

Khúc vĩ thanh có hậu

Tôi ôm chặt Đương, khi Thượng đế cho chúng tôi được gặp lại nhau. Bên bà vợ yêu từng là sinh viên tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội năm 1971, Đương thì thào vào tai tôi rằng, sau vụ yêu đương ấy, Đương bị khai trừ ra khỏi Đoàn thanh niên. Về nước, sau những thăng trầm, mặc cảm, Đương đã qua những chặng đường gập ghềnh, kể cả tình yêu lẫn sự nghiệp. Năm 1980, Đương được kết nạp vào Đảng. Nhiều năm là chiến sỹ thi đua cấp ngành, cấp thành phố, Đương đã thành Đảng uỷ viên của Đảng bộ Tổng công ty Dược Việt Nam, và suýt thành anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, nếu như không xảy ra trục trặc riêng tư gia đình. Và Thượng đế đã cho anh một cơ hội may mắn nữa. Đó là tháng 7.1979, trong dịp được Tổng công ty Dược Việt Nam cử đi công tác tại Tiệp Khắc, Đương đã gặp lại Valentina, người con gái mà Chúa đã trao cho anh trong chiều bão tuyết tại Bucaret năm 1967, khi nàng 17 tuổi, khi anh còn là chàng sinh viên khoa Hoá tại trường Đại học Bách khoa Georgiu Dej Bucaret Rumani. Nhận được tin Đương, nàng đã cùng chồng và đứa con trai kháu khỉnh có mặt tại Tiệp Khắc thăm anh. Ông chồng người Đức phúc hậu của Valentina đã trao trả nàng cho Đương một tuần. Suốt tuần, mặt trời lại hực nắng Ban Căng. Nàng vẫn xinh đẹp, nồng nàn và hạnh phúc, không như Đương lo lắng. Đó là khúc vĩ thanh có hậu cho tuổi trẻ và tình yêu bị chia lìa, cả khi đôi trẻ đã quỳ lạy, van xin để có được tình yêu không biên giới. 
“Con lạy tạ Giê su ban phép lạ
Cho nước Người hết ly biệt chia phôi
Hai chúng con quỳ trước Người đa tạ
Xin hoà tan làm một, ngàn đời”…
Bây giờ, tình yêu và nụ hôn đầu đời đã thuộc về cõi thăm thẳm. Chúa đã an bài, bù cho Đương một người vợ dịu dàng, xinh đẹp, khi họ đã qua chặng thứ hai của hạnh phúc, cùng dắt nhau bước sang tuổi lục tuần. Chúng tôi cùng vợ chồng Đương rời Thành phố Hồ Chí Minh theo quốc lộ 13 về thăm miệt vườn trang trại của gia đình anh, của các em trai anh ở cuối tỉnh Bình Dương, nơi trước đây hoang vu những khu rừng bị Mỹ rải chất độc hoá học, nơi giờ đây đang sôi động nhịp sống công nghiệp hoá, đô thị hoá với tốc độ ngựa phi đứng đầu cả nước. Vợ Đương là người đa cảm, nhân ái, tự trọng, gốc Huế, thân mẫu thuộc dòng dõi Tôn nữ.

Chị ngồi im trước khúc nhôi dằng dặc đầu đời của chồng, không can thiệp vào cuộc hàn huyên sôi nổi của chồng với khách. Chị đã về quê chồng, lội ruộng, gánh gạch xây lại mộ tổ một nhánh họ Khổng của Đương ở Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ. Họ hàng có bà lặng lẽ theo dõi chị, xếp cho chị gánh gạch thật nặng, thử sức nàng dâu tóc ngắn xem có gánh nổi không. Chị đã gánh và lội vững vàng trên con bờ ruộng bị xén vạt chỉ còn nhỏ bằng hai hàng lúa ấy. Cũng trong lần về quê ấy, vợ chồng Đương đã hiến một số tiền không nhỏ cùng nội tộc xây lại nhà thờ tổ tiên, hỗ trợ làng xã một số việc công đức khác. Còn ở Bình Dương, các em trai đã được Đương đầu tư mỗi người một trang trại mênh mông mấy chục ngàn mét vuông. Đương còn chu cấp lập quỹ hưu riêng cho cô em gái và một số người thân trong nội tộc từ quê vào định cư lập nghiệp tại Bình Dương mỗi tháng đều đặn vài trăm ngàn đồng. Cả khi Đương cho chú em trai hơn chục triệu đồng ăn Tết, nhưng anh chàng đã nướng gọn trong cuộc rong chơi, chọi gà và em ún, khiến vợ chồng Đương lúc đầu tỏ ra thất vọng. Nhưng khi nghe chú em út là Khổng Văn Cường, một sĩ quan Công binh ở Bình Dương đã về mất sức nay làm Chủ tịch xã Tân Long, huyện Phú Giáo phân bua và lý sự vui rằng, tiền bác cả cho bác hai cốt để tìm được niềm vui, nay bác dùng vào cuộc vui thì cũng chả nên phàn nàn nữa. Đương gật gù cho qua, còn bà vợ tốt nhịn của anh thì chắc gì đã đồng ý với kiểu lý sự “ huề cả làng” đó. Vâng, dù có là tiền núi, tiền lương thiện chắt chiu từ mồ hôi nước mắt mà cứ hào phóng thương nhau như thế thì đến Bụt cũng phải xót xa.

Xin hãy đọc lại tập thơ bị “tịch thu” ngày trước

Nửa tháng sau cuộc gặp gỡ ở miệt tiêu nam bộ, đúng hẹn, tôi đã nhận được tập thơ của Đương chép lại theo trí nhớ rút từ hơn 60 bài thơ trong tập “Tình quê hương” anh viết từ năm 1963 đến 1971. Tập thơ bị tịch thu ở Bucarets năm xưa cùng với ngót 90 bài thơ thất lạc khác, gom lại còn 15 bài cả thảy. Tập thơ chia làm 3 phần: Quê nghèo, Bucarets, và Valentina. Sáu bài trong phần Quê nghèo là nỗi thương mẹ, thương em, là tình yêu mơ mộng tuổi học trò sau dịp những học sinh cuối cấp trường Long Châu Sa chúng tôi vượt bến đò Gành, sang Cổ Tiết, vào hang Gió, đi lao động trồng sắn cạnh nông trường Vạn Xuân thuộc huyện Tam Nông bên kia sông Hồng. Tôi thì mê mải ngắm nhìn những quả bứa, quả ngoã lần đầu tiên trong đời được đặt chân vào rừng. Còn Đương biết đâu đã gặp một cô nàng xinh đẹp. Hoặc một chiều trên sông Lô, cậu học trò đa cảm đã cảm ánh mắt long lanh giữa bồng bềnh thơ thới sóng xuôi mà thơ phú. Đương giỏi toán, trong nhóm toán được trường chọn đi thi khu vực cùng với Tạ Văn Lâu và Nguyễn Văn Sứ của lớp 10A. Lâu, nghe nói đã chết đuối ở đầm Con Lợn, nơi ẩn chứa nhiều dấu tích của văn hoá Sơn Vi. Còn Sứ đi Trung Quốc, sau cách mạng văn hoá, trở về nước học tiếp đại học, thành kỹ sư đóng tầu. Sứ hiền lành mà lận đận. Một người giỏi toán mà không giỏi tính.

Đến nay, con nguời gầy gò này vẫn thuộc làu nhiều chương hồi của Tam Quốc diễn nghĩa, vẫn say sưa các định lý toán học, vẫn lơ lửng trên trời mà quên mất định lý lớn nhất của cuộc đời là phải biết hạ cánh xuống mặt đất để làm ăn, để sống. Vợ Sứ đã không chịu nổi cái nghi ngơ ấy, đã lặng lẽ về quê mua áo mới tặng mẹ chồng, rồi bật khóc chào bà cụ rồi chia tay, để lại cho anh hai đứa con gái. Ngờ đâu, 43 năm trước, khi còn học lớp 10 cùng nhau, Đương đã viết bài thơ “Chiều trung du”, đến bây giờ, có những câu thơ còn đứng được nhờ cảm quan văn học và cái nhìn khác biệt. 
“Đồng lúa sương mờ như giăng sữa
Mái tranh khói lượn tựa đuôi diều
Lất phất mưa xuân rơi bụi phấn
Bâng khuâng lòng nhớ một câu Kiều”. 
Câu thơ Đạm Thanh sớm linh ứng vào một đời đào hoa ngay từ năm 19 tuổi, chớm Xuân.

Sót lại trong phần Bucarets còn 4 bài. “Đông châu Âu” lung linh tuyết rơi, nghe tiếng gà gáy, nhớ quê da diết; “Thu vàng” lá rụng, muốn kéo thời gian ngược chiều; “Quê người” được tin đôi mắt sông Lô năm xưa theo người sang sông, buồn muốn khóc….

Nhưng hơn cả nỗi buồn nhớ là tình yêu cháy bỏng trào dâng nỗi tuyệt vọng dồn vào Valentina, chất chứa suốt 5 bài thơ từ “Hắc hải đêm hè”, “Brasov” đến “ Em đi tìm anh trên bán đảo Ban Căng”. Cuối cùng là “Tự ngẫm” đầy đau khổ. 
“Sáu năm ở đất Ban Căng
Vì yêu để nợ ngàn năm đất này”. 
Và “Cầu siêu xin biến kiếp người
Thành tơ hồng quấn, ngàn đời vào nhau”.

Đáng nói là khi tịch thu và cho huỷ tập thơ ấy của Đương liệu các nhà tổ chức có biết lẫn trong những bài thơ tình cháy bỏng có cả những bài thơ có lửa, qua thời lửa cháy, qua thời xa vắng và ấu trĩ vẫn không tắt “Valentina - Tình yêu thế kỷ”. Xin trích ra những đoạn, không nhằm bênh vực, bởi mọi sự đã qua. Cái thời cả nước lâm trận, cả nước lạc quan, chỉ được phép tin tưởng, không được phép hoài nghi, thì mỗi sinh linh đất Việt đều có một nỗi đau phải vượt qua, kể cả người trong nước và người tu nghiệp ở nước ngoài. Mỗi người một nỗi đau, chỉ đến bây giờ mới nói ra. Thời ấy cả nước làm thơ, thơ không thể ngoài cuộc, kể cả thơ của những người đang khốn khổ yêu đương ở nước ngoài.
"Em có hiểu tình Anh chứa chan
Nhưng quê anh chinh chiến điêu tàn
Giặc Mỹ đến ném bom rải thảm
Giết trẻ em tàn phá dân làng
Anh sẽ về Việt Nam chiến đấu
Hiến thân mình bảo vệ quê hương
Và mang theo tình em yêu dấu
Đi cùng anh ra khắp chiến trường
Em sẽ khóc thương em vĩnh biệt
Một dòng sông nước mắt tuôn trào
Thân dù chết. Tình yêu không chết
Sống muôn đời như trăng như sao”

Bây giờ, khi đã sang chiều của một đời người trải nghiệm, sau từng ấy năm đoạn tuyệt thơ, tự ngẫm thơ là địa hạt đầy mạo hiểm, dính vào là tai vạ, hơn thế nếu cứ mãi chung nhau một giọng điệu thì thơ sẽ tụt lùi, Khổng Văn Đương người có ba nốt ruồi tròn xếp thành hàng ngang ở xương đòn gánh lại…cầm bút...làm thơ. Phải chăng thơ là điểm đỗ cuối cùng của một đời người, cả người đào hoa lẫn người trận mạc. Anh viết bài “Về quê” đề ngày 5/4/2008, trong dịp về quê thăm Tứ Xã mới đây. Ùa về những kỷ niệm xa vời của quê cha đất mẹ, nhưng cũng canh cánh một nỗi lo thường trực khi 
“Làng quê ta giờ đất chật, người sinh sôi chen vào nhau đông nghịt
Bầu trời chẳng còn trong, chỉ mờ mờ khói sương axit
Ôi làng xưa mà ta khắc vào tim
Và hồn quê trong quá khứ đâu tìm…
Xây dựng lại những ngôi đình làng che mát các em thơ
Nơi các cụ già bàn việc làng, việc nước, làm thơ”.

Không chỉ mơ màng đau đáu trong thơ, Khổng Văn Đương đã làm được việc đúng với lòng mình. Anh muốn gửi về quê chút tiền dành dụm được để cùng quê hương xây lại ngôi đình, như một số người con của Tứ Xã còn nặng lòng thương nhớ cái tổ ấm đã nâng cánh đàn chim bay khắp bốn phương trời, trong đó có anh, một cánh chim đã đỗ ở phương Nam sau mùa di trú.
Cao Văn Định
Nguồn: VieTimes

0 comments:

Post a Comment

domain, domain name, premium domain name for sales

Popular Posts