Kênh Tên Miền chuyên cung cấp tên miền đẹp, giá rẻ! Hãy liên hệ kỹ thuật: 0914205579 - Kinh doanh: 0912191357 để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, Cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong thời gian qua!
kiem tien, kiem tien online, kiem tien truc tuyen, kiem tien tren mang
Sunday 26 February 2012

Trang Thơ đã có dịp giới thiệu với bạn đọc bài thơ "Đợi anh về" của nhà thơ Konstantin Simonov. Theo ý kiến anh Trần Phong: "Có lẽ đến bây giờ bản dịch bài thơ "Đợi anh về" của Tố Hữu vẫn là bản dịch hay nhất. Lí do đơn giản vì rất nhiều người thuộc bài thơ này và có cảm xúc tốt đẹp về nó." Có thể bạn đọc Trang Thơ đã biết đến bản dịch của Hồng Thanh Quang, cũng như biết đến những cuộc mạn đàm xung quanh việc dịch bài thơ này. Tuy nhiên những người yêu thơ vẫn muốn có một bản dịch sát nghĩa với nguyên bản tiếng Nga để đối chiếu. Hôm nay xin giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Tất Thịnh trên trang cá nhân. Mạn phép tác giả được cắt bớt đôi từ cho phù hợp. 


VƯỢT LÊN ĐAU KHỔ CỦA CUỘC ĐỜI LÀ 
BÀI THƠ VỀ CUỘC SỐNG
Tình yêu đi qua Chiến tranh


Đây là bài thơ rất hay của nhà thơ Xô Viết Xi-Mô-Nốp, đã được nhà thơ Tố Hữu dịch ra tiếngViệt (năm 1947) thông qua một bản dịch bằng tiếng Pháp. Bản dịch của Tố Hữu khá hay, và đã đi vào tâm hồn của biết bao người Việt Nam...
Tuy nhiên tình cờ chúng tôi có được bài thơ này dưới dạng nguyên bản tiếng Nga, vì lòng yêu thích thơ và tiếng Nga tôi thử dịch lại. Bởi tôi thấy rằng bản dịch của Tố Hữu là không thật lột tả được cái hồn, cái chữ của nhà thơ Xô-Viết này.

Lời bình và sửa lại:
1. Trong khổ đầu, Tố Hữu dịch:
"Em ơi đợi Anh về
Đợi Anh hoài Em nhé"
Tố Hữu đã dùng câu điệp là thừa, hơn nữa từ "hoài" làm nghĩa câu thơ bị sái (hoài công, phí công). Cả hai câu này là lời nhắn nhủ của người lính ở xa. Anh nhắn nhủ thế là đúng, nhưng còn Anh thì sao? Không thấy nói đến. Do đó câu thơ trở nên một chiều.
Còn trong nguyên bản là:
"Em ơi, đợi Anh!
Anh sẽ về"
Hai câu là hai vế khác nhau. Một vế nhắn nhủ Em, còn một vế nhắn với Em rằng: Anh sẽ về. Đây là niềm tin hi vọng của cả hai bên, và cũng là niềm chung thủy của người lính ở ngoài mặt trận.

2. Câu thứ 8 và thứ 9 Tố Hữu dịch là:
"Bạn cũ có quên rồi
Đợi Anh hoài Em nhé"
Câu này không rõ nghĩa, không chuẩn về mặt ngữ pháp và nhắc lại từ "hoài" không đắt. Nội dung chính trong nguyên tác là: 
"Dù các bạn của Em, có ai đó đã quên người yêu của họ, thì riêng Em cứ chờ". Hai câu có hai vế đối lập nhau, làm tăng thêm sức mạnh nội tâm về lòng chung thủy. Vậy nên dịch lại là:
"Dẫu ai đó quên rồi
Thì riêng Em cứ đợi"
Cụm từ "ai đó" ở đây có nghĩa không xác định, không chỉ một người cụ thể nào chứ không nên dịch như Tố Hữu là "bạn cũ có quên rồi" vì nó cụ thể quá làm bạc nghĩa. Ngoài ra, cụm từ "Dẫu ai đó" đối lập với cụm từ "Thì riêng Em" sẽ làm nổi bật lên sự kiên định của Em. Lời dịch của Tố Hữu không phản ánh được điều này.

3. Tiếp theo Tố Hữu dịch:
"Tin Anh dù vắng vẻ
Lòng ai dù tái tê
Chẳng mong chi người về
Thì Em ơi cứ đợi"
Dịch thế là sai nguyên tác, vì tác giả không hề nói: "Chẳng mong chi ngày về" nghe nó tuyệt vọng quá (giống như từ "hoài" vậy). Xi-Mô-Nốp không nói thế. Còn vô nghĩa là ở câu dịch: "Lòng ai dù tái tê", bởi "lòng ai" có nghĩa không xác định, không rõ đối tượng, còn trong nguyên bản đối tượng rất cụ thể là "Lòng Em" chứ không phải là một ai khác.
Nên dịch lại là:
"Đợi Anh dù phương xa
Thư Anh dù chẳng lại
Dẫu lòng bao tê tái
Thì Em ơi, cứ chờ"

4. Còn một khổ dài Tố Hữu dịch là:
"Em ơi, Em cứ đợi
Dù ai nhớ thương ai
Chẳng mong có ngày mai
Dù mẹ già con dại
Hết mong Anh trở lại..."
Khổ thơ này gần như sai hoàn toàn so với nguyên tác. Trong bài thơ, Xi-Mô-Nốp nói: "Em chờ Anh, nhưng đừng có hoàn toàn mong những điều tốt lành. Bởi vì, trong chiến tranh điều gì cũng có thể xảy ra cả. Nếu chẳng may Anh có hy sinh thì nỗi đau khổ của Em, Em phải gắng quên đi trong nghị lực, hãy giúp Mẹ nuôi con thay Anh..." Trong khổ thơ này, Tố Hữu một lần nữa lại dùng cụm từ không xác định "Dù ai nhớ thương ai" làm câu thơ trở nên vô hồn, không có nghĩa.

Thêm nữa, chỉ có 4 câu 5 chữ mà Tố Hữu đã 2 lần lặp lại , trùng văn , trùng ý: "Chẳng mong có ngày mai - .... - Hết mong Anh trở lại ... " Trong thơ của mình Xi - Mô - Nốp không hề có ý nghĩ tiêu cực về bà mẹ như lời dịch của Tố Hữu: "Dù mẹ già con dại - Hết mong Anh trở lại". Còn trong nguyên tác ý nghĩa rất tích cực của tác giả là: "Em hãy cố gắng quên khổ đau để nuôi Mẹ nuôi con" Tố Hữu lại bỏ mất. Có thể nói khổ thơ này dịch sai hoàn toàn cả ý, cả lời.
Nên dịch lại là:
"Chờ Anh, Anh sẽ về
(nhưng) Đừng chỉ mong điều tốt đẹp
Như Em từng đã biết
Nỗi đau cần phải quên...
Hãy nhìn vào Mẹ hiền
Và các con thơ dại...
... Nếu Anh không trở lại"
Như thế vừa sát nguyên văn, phản ánh được đúng tâm hồn của tác giả.

5. Lại một đoạn thơ rất hay của Xi-Mô-Nốp, nói với người vợ ở hậu phương rằng: "Nếu có người bạn gái của Em vẫn chờ chồng phương xa, thường ngồi bên cửa sổ nhâm nhi li rượu cay (từ cay ở đây rất hay) để có thể nguôi ngoai đi phần nào nỗi nhớ, nỗi khổ, thì Em ơi, Em hãy cứ như bạn mà uống đi".
Nhưng Tố Hữu lại dịch khác hẳn:
"Dù bạn viếng hồn Anh
Yên nghỉ nấm mồ xanh
Nâng chén tình dốc cạn
Thì Em ơi mặc bạn
Đợi Anh hoài Em nghe
Anh của Em sắp về"
Thì có thể nói gần như một ý khác hẳn. Trong nguyên tác, không hề có "nấm mồ xanh", không có "ai viếng hồn ai" cả. Còn câu: "Nâng chén tình dốc cạn..." thì không thể hiểu ý tứ gì, nghĩa lí gì được nữa. Phải dịch là:
"Như ai đó đợi chờ
Vẫn ngồi bên cửa sổ
Li rượu cay, nỗi nhớ
Thì Em ơi uống đi
Cho lòng vơi nỗi khổ"

6. Và Xi-Mô-Nốp còn viết: "Nếu có người vợ nào đó có cầm lòng không được, thì đừng trách họ làm gì. Nhưng trong bom rơi đạn lửa ta (em và anh) vẫn biết chờ nhau". Tố Hữu dịch ra ngoài ý này: "Thì Em ơi mặc bạn -.... ". Nên dịch lại là:
"Đợi Anh! Anh sẽ về
Dẫu kề bên cái chết
Nếu có ai quên hết
Chẳng biết đợi chờ ai
Đừng trách họ lạt phai
Đã không cam chờ đợi"
Đoạn này nói lên tư tưởng thoáng đạt, niềm cảm thông sâu sắc của tác giả đối với những người phụ nữ hậu phương có thể đi bước nữa, trong cảnh rất nhiều người chồng, người anh của họ đã ra đi mà không bao giờ có thể trở về.

7. Đoạn cuối Tố Hữu dịch là:
"Đợi Anh, anh sẽ về
Trong chết cười ngạo nghễ
Hẳn cho sự tình cờ..."
Trong nguyên tác không hề có sự "chết cười", không có "ngạo nghễ". Nói thế làm câu thơ không còn đẹp nữa. Trên đời không có sự tình cờ nào cả, mà nếu có thì cũng ra ngoài cái ý chí, lòng kiên định, sự tin tưởng của tác giả muốn nói. Cần phải dịch lại:
"Trong bom rơi lửa dội
Chỉ ta biết chờ nhau
Em ngã vào lòng đau
Lúc Anh về, Anh biết"
Biết cái gì? Tác giả đã lí giải và nên dịch lại đoạn này như sau:
"Chỉ có Em tha thiết
Dù dòng lệ cạn khô
Em của Anh biết chờ
Không như ai, chẳng đợi".

Sau đây là toàn bộ bài thơ “Em ơi! đợi anh về” của Simonop - được ông Nguyễn Tất San và anh Nguyễn Tất Thịnh dịch lại theo nguyên bản tiếngNga:

Em ơi, Đợi anh,
Anh sẽ về
Dù mưa rơi dầm dề
Dù ngày buồn tái tê
Thì Em ơi, cứ đợi.
Dù gió Đông tuyết dội,
Dù nắng Hạ mưa rơi
Dẫu ai đó quên rồi
Thì riêng Em, cứ đợi.

Đợi Anh dù phương xa
Thư Anh thường chẳng lại
Dẫu lòng bao tê tái
Thì Em ơi, cứ chờ.

Chờ Anh, Anh sẽ về
Đừng mong điều tốt đẹp
Như Em từng đã biết
Có lúc cần phải quên.
Hãy nhìn vào mẹ hiền
Và con thơ bé dại
Em ơi, Em hãy chờ.

Như ai đó vẫn chờ,
Ngồi bên ô cửa sổ
Ly rượu cay nỗi nhớ,
Thì Em ơi uống đi
Cho lòng vơi nỗi khổ.
Đợi Anh, Anh sẽ về
Dẫu kề bên cái chết,
Nếu có ai quên hết
Chẳng biết đợi chờ ai
Đừng trách họ lạt phai
Đã không cam chờ đợi.

Trong bom rơi lửa dội
Chỉ ta biết chờ nhau
Em ngã vào lòng đau,
Lúc Anh về, Anh biết:

Anh biết Anh không chết
Đâu phải lẽ tình cờ.
Chỉ có Em tha thiết
Dẫu dòng lệ cạn khô,
Em của Anh biết chờ
Không như ai, chẳng đợi.

Mời bạn đọc thêm bài "Từ một bản dịch thơ suy nghĩ về việc tiếp cận tác phẩm văn học nước ngoài" của PGS - TS ngôn ngữ, giảng viên khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TPHCM, Trần Thị Phương Phương.

0 comments:

Post a Comment

domain, domain name, premium domain name for sales

Popular Posts